Bức tranh toàn cảnh về tiêu dùng trực tuyến Việt Nam 2024

Trong khuôn khổ sự kiện TikTok SMB Summit 2024 “Skyrocket Your Business”, tôi có cơ hội chia sẻ một số góc nhìn tổng quan về tình hình tiêu dùng trực tuyến Việt Nam 2024.

Theo Report SEA Digital Economy 2023 – Google, Temasek, Bain & Company, Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế số phát triển nhanh nhất trong khu vực các quốc gia Đông Nam Á trong năm 2022 và 2023, dự kiến sẽ duy trì vị thế này đến năm 2025.

Về tổng quan nền kinh tế số, GMV (Gross Merchandise Value) của Việt Nam đạt 30 tỷ USD vào năm 2023, với CAGR (Compound Annual Growth Rate – tỉ lệ tăng trưởng kép) đạt 19% so với năm 2022. Nhờ vào sự phát triển bùng nổ của thương mại điện tử, nền kinh tế số dự kiến sẽ đạt 43 tỷ USD vào năm 2025.

Vào năm 2023, GMV của ngành thương mại điện tử đạt 16 tỷ USD, với tỷ lệ tăng trưởng kép là 11% so với năm 2022. Dự báo đến năm 2025, GMV của thương mại điện tử sẽ đạt 24 tỷ USD, với tỷ lệ tăng trưởng kép dự kiến là 22% so với năm 2023. Như vậy, ngành thương mại điện tử dự kiến đóng góp hơn 50% vào GMV của nền kinh tế số tại Việt Nam trong năm 2025.

Tổng quan tiêu dùng trực tuyến Việt Nam 2024
Báo cáo tổng quan nền kinh tế số tại Việt Nam năm 2024 (Nguồn: Report SEA Digital Economy 2023 – Google, Temasek, Bain & Company).

Để nghiên cứu sâu về chân dung người tiêu dùng trực tuyến tại Việt Nam trong năm 2024, NielsenIQ đã thực hiện hơn 800 cuộc phỏng vấn trực tuyến tại TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Hải Phòng. Đối tượng tham gia phỏng vấn là nam và nữ từ 18 đến 45 tuổi, là những người trực tiếp ra quyết định mua sản phẩm và thực hiện giao dịch mua hàng trực tuyến trong vòng 3 tháng trước thời điểm khảo sát.

Người tiêu dùng trực tuyến Việt Nam năm 2024: Họ là ai?

Theo kết quả nghiên cứu của NielsenIQ, chân dung người tiêu dùng trực tuyến tại Việt Nam có những đặc điểm nổi bật như: Phần lớn là những người đã lập gia đình (73%), phụ nữ chiếm ưu thế trong nhóm này, với tỷ lệ lên tới 58%. Ngoài ra, kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng đa số người tiêu dùng trực tuyến có mức thu nhập trên 15 triệu đồng.

Bên cạnh đó, đa phần người xem nội dung trực tuyến có độ tuổi trẻ hơn rất nhiều , chủ yếu là Gen Z. Tuy nhiên, báo cáo chỉ ra rằng buyer lại thuộc thế hệ Millennials với độ tuổi trung bình là 31. Điều này đặt ra câu hỏi rằng liệu nội dung các thương hiệu tạo ra có thực sự nhắm đúng vào những người ra quyết định mua hàng hay không?

Nhân viên văn phòng là nhóm chiếm đa số trong số những người tiêu dùng trực tuyến với 72%, nhưng lực lượng mua sắm online cũng bao gồm sinh viên, công nhân và các nhà khởi nghiệp. Những yếu tố này cho thấy nhu cầu mua sắm trực tuyến đã trở thành một phần thiết yếu và ngày càng phổ biến trong đời sống người Việt Nam.

Chân dung người tiêu dùng số Việt Nam năm 2024 (Nguồn: NielsenIQ).
Chân dung người tiêu dùng số Việt Nam năm 2024 (Nguồn: NielsenIQ).

Những lý do nào khiến người tiêu dùng tìm đến mua sắm trực tuyến?

Dựa trên dữ liệu từ 2.565 cuộc phỏng vấn, có 3 lý do chính khiến người tiêu dùng chọn mua sắm trực tuyến.

Mặc dù nhiều người cho rằng lý do chính là để săn “deal hời,” thực tế lý do này chỉ chiếm 19% và không phải là lý do phổ biến nhất. Lý do phổ biến nhất là mua sắm để dự trữ tại nhà, chiếm 25%. Kế đến, 21% người tiêu dùng chọn mua sắm trực tuyến để có thể ăn uống tức thì.

Những kết quả này cho thấy việc mua sắm trực tuyến không chỉ đơn thuần là tìm kiếm các ưu đãi mà còn phục vụ nhu cầu dự trữ cho gia đình hay nhu cầu sử dụng đồ ăn/ thức uống ngay lập tức.

Top các lý do người tiêu dùng Việt Nam tìm đến mua sắm trực tuyến (Nguồn: NielsenIQ).
Top các lý do người tiêu dùng Việt Nam tìm đến mua sắm trực tuyến (Nguồn: NielsenIQ).

Đâu là sản phẩm được người tiêu dùng số mua sắm nhiều nhất?

Theo cuộc khảo sát của chúng tôi, người tiêu dùng số tại Việt Nam mua trung bình 6,5 loại sản phẩm, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, đồ uống và mỹ phẩm cá nhân.

Trong năm 2024, thực phẩm và đồ uống, bao gồm các sản phẩm như đồ uống đóng chai, bia, cà phê hòa tan, gia vị, và mì ăn liền, là nhóm hàng được mua sắm trực tuyến nhiều nhất với tỷ lệ lên tới 76%. Tiếp theo là ngành hàng mỹ phẩm cá nhân, bao gồm dầu gội, chăm sóc da mặt và sản phẩm dành cho nam giới, với tỷ lệ mua sắm là 74%. Điều này cho thấy, mua sắm trực tuyến đã dần trở thành một hoạt động phổ biến, mang tính “bình thường mới” thay vì chỉ là xu hướng mới nổi như cách đây 4-5 năm.

Ngoài ra, các sản phẩm khác cũng được người tiêu dùng chọn mua nhiều trên các kênh trực tuyến bao gồm thực phẩm, thời trang & thể thao, cũng như các mặt hàng chăm sóc nhà cửa, công nghệ và sản phẩm dành cho mẹ & bé.

Các loại hàng hóa được người tiêu dùng số mua nhiều nhất (Nguồn: NielsenIQ).
Các loại hàng hóa được người tiêu dùng số mua nhiều nhất (Nguồn: NielsenIQ).

Người dùng số mua hàng qua phương thức nào?

Trung bình, mỗi người tiêu dùng số sử dụng 3.2 nền tảng khác nhau để mua sắm trực tuyến. Trong ba tháng trước thời điểm khảo sát, 88% người được phỏng vấn cho biết họ đã mua hàng qua các ứng dụng giao thức ăn, trong khi 82% thực hiện giao dịch trên các nền tảng e-retailer như Shopee, Lazada, Tiki hay TikTok Shop.

Các nền tảng mua sắm trực tuyến chính của người tiêu dùng Việt Nam (Nguồn: NielsenIQ).
Các nền tảng mua sắm trực tuyến chính của người tiêu dùng Việt Nam (Nguồn: NielsenIQ).

Đặc biệt, 94% người tiêu dùng thực hiện giao dịch trực tuyến qua điện thoại di động. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là họ chỉ sử dụng một thiết bị duy nhất cho việc mua sắm. Thực tế, 35% đáp viên cho biết họ sử dụng nhiều hơn một thiết bị, chẳng hạn như điện thoại, laptop và máy tính bảng để thực hiện giao dịch online.

Phương tiện mua sắm trực tuyến của hầu hết người tiêu dùng là điện thoại di động (Nguồn: NielsenIQ).
Phương tiện mua sắm trực tuyến của hầu hết người tiêu dùng là điện thoại di động (Nguồn: NielsenIQ).

Việc người tiêu dùng lựa chọn điện thoại thông minh làm phương tiện chính để mua sắm có thể giải thích là vì tính tiện dụng của nó – cho phép khách hàng mua sắm bất cứ lúc nào và ở bất kỳ đâu. Tuy nhiên, nhiều người vẫn ưu tiên sử dụng laptop khi cần di chuyển giữa các tab để so sánh giá cả một cách thuận tiện hơn.

Vậy đâu là tần suất mua sắm online của người tiêu dùng Việt Nam?

Theo kết quả khảo sát, trung bình mỗi người tiêu dùng số thực hiện gần 4 lượt mua sắm trực tuyến mỗi tháng, gấp gần đôi so với năm 2023. Trong số đó, 42% người được phỏng vấn cho biết họ mua sắm trực tuyến nhiều hơn một lần mỗi tuần. Bên cạnh đó, người tiêu dùng trung bình dành khoảng 8.2 giờ mỗi tuần cho việc mua sắm trực tuyến.

Tần suất và thời lượng mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng số tại Việt Nam (Nguồn: NielsenIQ).
Tần suất và thời lượng mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng số tại Việt Nam (Nguồn: NielsenIQ).

Kết

Dự kiến quy mô thương mại điện tử tại Việt Nam sẽ đạt 24 tỷ USD vào năm 2025, đánh dấu một bước nhảy vọt đáng kể so với hiện tại. Điều này chứng tỏ việc mua sắm trực tuyến đang ngày càng trở nên phổ biến trong đời sống hàng ngày của người tiêu dùng. Tuy nhiên, tập khách hàng và lý do mua sắm không có sự thay đổi đáng kể trong thời gian qua, đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp thương mại điện tử trong việc tìm kiếm động lực tăng trưởng mới.

Với tiềm năng phát triển mạnh mẽ và sự hỗ trợ từ công nghệ hiện đại, thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn sẽ là một trong những lĩnh vực quan trọng và đầy hứa hẹn trong những năm tới. Các doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội này để không chỉ mở rộng hoạt động mà còn tạo ra những giá trị mới cho người tiêu dùng, từ đó góp phần vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Mr Long Lê

Bài viết được chia sẻ bởi Mr Long Lê – Retailer Vertical Lead, NielsenIQ Việt Nam; Học viên MBA Talent khóa 2022.