Từ nghiên cứu sinh đến Entrepreneur

Chuyển từ vai trò chuyên viên sang quản lý là bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của bất kỳ ai. Từ xuất phát điểm là một nghiên cứu sinh ngành Plant Bioscience đến Founder của startup F&B, tôi đã trải qua nhiều thử thách, sai lầm và có nhiều bài học quý giá khi lần đầu đảm nhận vai trò quản lý. 

Anh Nguyễn Văn Trường: Nghiên cứu sinh

Đây là câu chuyện về những khoảnh khắc bước ngoặt, quyết định khó khăn và hành trình trưởng thành để trở thành một người lãnh đạo – đang học cách tin tưởng, trao quyền và xây dựng đội ngũ cùng chí hướng.

Tôi là người sáng lập và điều hành Plavea – một startup định hướng phát triển bền vững trong ngành F&B, hướng đến mô hình sản xuất xanh, tận dụng tài nguyên địa phương và lan tỏa lối sống lành mạnh. 

Trước khi khởi nghiệp, tôi từng theo đuổi con đường học thuật, tốt nghiệp Thạc sĩ về Plant Bioscience với chuyên môn về proteomics và gene transplant, sau đó hoàn thành chương trình MBA tại Western Sydney University. 

Khi quyết định không còn chỉ cho riêng mình

Tôi tin rằng điều hành một doanh nghiệp hiệu quả cần không chỉ kiến thức quản trị, mà còn là sự hiểu biết sâu sắc về ngành: từ nguyên liệu, quy trình sản xuất đến xu hướng thị trường và nhu cầu người dùng. Từ hành trình học tập về Plant Bioscience đến trải nghiệm đào tạo quản trị tại chương trình MBA, tôi không đơn thuần chỉ chuẩn bị để khởi nghiệp, mà để xây dựng một nền tảng vững chắc cho một doanh nghiệp có khả năng gắn kết tri thức, giá trị và con người.

Khoảnh khắc tôi thực sự cảm nhận mình đã bước vào vai trò quản lý có hai dấu mốc quan trọng. Đầu tiên là khi tôi tuyển dụng người quản lý đầu tiên cho đội ngũ – đó không chỉ là việc bổ sung thêm một thành viên, mà còn là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự chuyển mình của tôi từ người làm chuyên môn sang người dẫn dắt.

Thứ hai là khi lần đầu tiên phải ra quyết định không còn cho riêng bản thân, mà là cho cả một tập thể. Khi ấy, tôi đang đứng giữa những lựa chọn khó – ưu tiên phát triển sản phẩm, đầu tư vào truyền thông hay tối ưu dòng tiền cho vận hành? Không có phương án hoàn hảo, nhưng phải quyết đoán.

Lúc đó tôi nhận ra: làm lãnh đạo không phải là biết mọi câu trả lời, mà là chấp nhận trách nhiệm với mọi hệ quả, là dám ra quyết định khi chưa có đủ dữ kiện, và là người giữ nhịp cho cả đội khi mọi người còn đang hoang mang. Tôi nhận ra rằng, làm quản lý không chỉ là giao việc hay kiểm soát tiến độ, mà là khả năng truyền cảm hứng để mọi người cùng hướng về một mục tiêu chung.

Tìm người cùng chí hướng

Có một câu nói rất đúng với hành trình khởi nghiệp: “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì phải đi cùng nhau.” Tôi luôn tin rằng, một ý tưởng tốt chỉ thực sự trở thành hiện thực khi được triển khai bởi một đội ngũ đồng lòng, cùng tầm nhìn và giá trị.

Ngay trong những bước đầu hình thành Plavea, một trong những thử thách lớn nhất của tôi là tìm kiếm những con người không chỉ giỏi chuyên môn, mà còn thực sự tin vào sứ mệnh mà chúng tôi đang theo đuổi. Tôi học cách quan sát kỹ càng hơn – không chỉ dựa vào hồ sơ hay bằng cấp, mà còn ở cách họ lắng nghe, xử lý mâu thuẫn và phản ứng trước khó khăn.

Tôi chọn đồng đội không chỉ vì họ giỏi, mà vì họ có thể cùng tôi vượt qua những giai đoạn khởi đầu đầy thử thách, cùng xây dựng môi trường làm việc minh bạch, cởi mở, và luôn học hỏi lẫn nhau. Tôi tin rằng một môi trường tốt là nơi mỗi người được là chính mình, được lắng nghe, phát triển và – trên hết – cảm thấy mình đang tạo ra giá trị thực sự.

Anh Nguyễn Văn Trường:  Start up

Từ cá nhân đến tập thể

Sự thay đổi lớn nhất khi chuyển từ vai trò chuyên viên sang quản lý là từ việc tập trung vào kết quả cá nhân sang tạo không gian để các thành viên phát triển và tỏa sáng. Tôi bắt đầu học cách nhìn tổ chức như một hệ sinh thái, nơi mỗi cá nhân là một mắt xích cần được thấu hiểu, truyền cảm hứng và định hướng đúng lúc.

Vai trò quản lý cũng đồng nghĩa với việc tôi phải học cách lắng nghe, thấu hiểu từng cá nhân trong đội ngũ, nhận ra điểm mạnh và điểm yếu của họ để hỗ trợ phát triển. Tôi không còn đơn độc thực hiện công việc, mà cần tạo điều kiện để đội ngũ cùng trưởng thành, cùng chia sẻ trách nhiệm và thành quả.

Nhiều kỹ năng của thời chuyên viên vẫn theo tôi đến tận bây giờ – như sự chỉn chu trong nghiên cứu, tư duy phản biện, và khả năng giải quyết vấn đề. Nhưng ở vai trò quản lý, tôi buộc phải học thêm những kỹ năng hoàn toàn mới: lắng nghe sâu, giao tiếp truyền cảm hứng, trao quyền đúng cách và đặc biệt là quản lý năng lượng cảm xúc – của bản thân và của cả đội.

Cơ hội từ khởi nghiệp

Khởi nghiệp mở ra một không gian học hỏi liên tục – nơi tôi phải lắng nghe thị trường, điều chỉnh chiến lược, và học cách đưa ra quyết định trong sự không chắc chắn. Tôi đã thay đổi – không chỉ về kiến thức, mà cả về tư duy, tính cách và cách nhìn nhận con người.

Nguyễn Văn Trường

Nếu được quay lại thời điểm mới bước vào vị trí quản lý, tôi sẽ học cách tin tưởng và trao quyền sớm hơn. Bước đầu tôi từng ôm đồm rất nhiều vì nghĩ rằng như vậy mới đảm bảo chất lượng. Nhưng càng đi lâu, tôi càng hiểu: người quản lý không nên là người làm giỏi nhất – mà là người xây hệ thống, trao quyền, và tạo ra môi trường cho người khác giỏi hơn mình.

Và nếu có thể gửi một lời nhắn đến chính mình ngày đầu nhận vai trò lãnh đạo, tôi sẽ nói: “Đừng sợ. Làm quản lý không có nghĩa là phải hoàn hảo. Chỉ cần đủ khiêm tốn để học và đủ kiên trì để đồng hành cùng người khác – bạn sẽ trưởng thành hơn cả những gì mình từng nghĩ.”