Ứng dụng AI – Gia tăng lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp
Mục lục
Trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp hiện nay chưa có cách ứng dụng AI phù hợp.
Như vậy, đâu là cách thức ứng dụng AI vào doanh nghiệp đúng đắn? Tìm hiểu ngay tại bài viết dưới đây!
Lợi ích của AI đối với doanh nghiệp
Có thể nhận thấy những lợi ích của việc sử dụng AI trong kinh doanh bao gồm:
- Tự động hóa các công việc lặp đi lặp lại (ví dụ như nhập dữ liệu)
- Tăng doanh thu bằng cách đưa ra dự đoán tốt hơn
- Nâng cao trải nghiệm khách hàng bằng cách hỗ trợ kịp thời
- Thúc đẩy tăng trưởng bằng cách tổng hợp dữ liệu, tung ra các chiến dịch quảng cáo nhắm đến tệp khách hàng mục tiêu cụ thể
Xem thêm bài viết Các loại trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI) cần biết
8 ứng dụng thường gặp của AI trong doanh nghiệp
AI giờ đây là công cụ có tác động mạnh mẽ trong các ngành công nghiệp khác nhau, từ podcast, thời trang đến chăm sóc sức khỏe.
1. Giảm thời gian và nguồn lực cần thiết để sáng tạo nội dung
Trong lĩnh vực kinh doanh sáng tạo nội dung, AI có thể được sử dụng để viết kịch bản và tạo tài liệu chiến dịch quảng cáo (ví dụ: đồ họa, email).
2. Tối ưu hóa vận hành chuỗi cung ứng trong bán lẻ
Các nhà bán lẻ thường phải đưa ra rất nhiều dự đoán, ví dụ như dự đoán loại quần áo nào cần tồn kho. Quá trình này đòi hỏi những nhà bán lẻ đưa ra những phỏng đoán có căn cứ dự trên dữ liệu lịch sử.
AI có thể tinh giản hoạt động chuỗi cung ứng cho các nhà bán lẻ. Cụ thể, AI lấy dữ liệu cần thiết, chẳng hạn như mức tồn kho trước đó và hiệu suất bán hàng, đồng thời dự đoán doanh số bán hàng trong tương lai với độ chính xác cao.
Các nhà bán lẻ thời trang như H&M, Zara đã có sự tăng trưởng đáng kể về doanh thu nhờ tận dụng các phân tích dự đoán do AI thực hiện.
3. Tăng tốc và cải thiện độ chính xác của chẩn đoán y học
Thông thường, các bác sĩ sử dụng hình ảnh như một công cụ để đưa ra chẩn đoán chính xác cho bệnh nhân. Tuy nhiên, hình ảnh thường chỉ hiển thị một phần của câu chuyện. Để chẩn đoán cho bệnh nhân, các bác sĩ cần xem xét bệnh sử của họ.
AI hỗ trợ tối ưu hóa quá trình này. Đội ngũ bác sĩ có thể sử dụng AI để đưa ra bản tóm tắt về tiền sử bệnh của bệnh nhân và làm nổi bật thông tin liên quan đến hình ảnh.
4. Tạo video chuyên nghiệp trong khoảng thời gian ngắn
Nếu doanh nghiệp có kế hoạch tạo video, họ cần tìm nhân sự thực hiện, mua máy ảnh chất lượng cao, dựng studio và chỉnh sửa. Quá trình này có thể mất nhiều ngày để hoàn tất, nhưng AI có thể giúp doanh nghiệp tạo một video chuyên nghiệp trong vòng chưa đầy 15 phút.
5. Cung cấp cho robot các chức năng tự động
AI cũng có thể ứng dụng cho các ngành công nghiệp. Ví dụ: Build Robotics sử dụng AI để tạo ra máy móc tự động hạng nặng có thể hoạt động trong môi trường khắt nghiệt.
Một trong những robot của họ làm việc trong lĩnh vực đóng cọc năng lượng mặt trời (solar piling) hoặc quá trình xây nền để đặt các tấm pin mặt trời lên đó. Điều này đòi hỏi khả năng đặt nền móng trên địa hình không bằng phẳng và làm việc với các thông số thiết kế rất nghiêm ngặt, tốn nhiều thời gian khi thực hiện thủ công. Tuy nhiên, robot điều khiển bằng AI có thể tự động hóa và tăng tốc quá trình này một cách đáng kể.
6. Đóng vai một người bạn tâm tình
Các công cụ AI như ChatGPT có khả năng tạo ra văn bản giống con người. Suy cho cùng, việc học của nó chủ yếu đến từ những gì mọi người đăng tải trên internet. Replika đã nhận thấy cơ hội tận dụng mối quan hệ giữa người với người và cho ra mắt “AI companion who cares”.
Thông qua ứng dụng này, người dùng có thể tạo hình đại diện, tùy chỉnh sở thích và mối quan tâm cũng như xây dựng mối quan hệ với AI. Thay vì lập trình mẫu câu có sẵn, Replika tạo ra câu trả lời nhanh ứng với từng trường hợp, nhờ đó phản ứng tự nhiên hơn. Ngoài ra, Replika cũng trau dồi sự hiểu biết về người dùng sau nhiều tuần trò chuyện.
7. Tạo mock website (trang web mô phỏng) trong vài phút
Trong nhiều trường hợp, để tạo ra một sản phẩm khả thi tối thiểu (MVP) cần khởi chạy một trang web đơn giản để thu thập thông tin người dùng. Nhưng không phải ai cũng có thể viết code một trang web chức năng. Công cụ AI cho phép người dùng tạo các trang web mô phỏng mà không cần bất kỳ kỹ năng viết code nào.
Ví dụ: bạn có thể sử dụng Uizard, công cụ hỗ trợ tạo các thiết kế ứng dụng, web và giao diện người dùng (UI) sau khi nhận được hướng dẫn bằng văn bản. Người dùng chỉ cần nhập loại ứng dụng hoặc trang web họ muốn cùng với một số thông số thiết kế khác, sau đó Uizard sẽ trả về bản thiết kế về ý tưởng.
8. Tiết kiệm nguồn lực tạo nội dung cho các khóa đào tạo
Theo Association of Talent Development (ATD), việc xây dựng một khóa học eLearning có thể mất trung bình 85 giờ. AI có thể giảm đáng kể thời gian này bằng cách hỗ trợ tạo nội dung cho eLearning và các loại hình đào tạo khác.
Công cụ AI dành cho doanh nghiệp
Khi đã hiểu những công việc nào có thể áp dụng AI, người dùng có thể xem xét các công cụ khác nhau để cải thiện hiệu quả và tăng tốc độ công việc.
Marketing
Trong Marketing, các công cụ AI có thể hỗ trợ quá trình viết bài, thiết kế, v.v. Chúng ta có thể cân nhắc sử dụng các công cụ sau để tích hợp AI vào hoạt động Marketing:
- LogoAi: Thiết kế logo bằng AI
- ChatGPT: Cung cấp phản hồi bằng văn bản
- DALL·E 2: Tạo hình ảnh độc đáo theo câu lệnh
- LOVO: Chuyển văn bản thành giọng nói tự nhiên
Strategy
AI có thể hỗ trợ tư duy cấp cao, chẳng hạn như đưa ra kế hoạch hoặc chiến lược kinh doanh. Các công cụ sau có thể giúp xác thực ý tưởng, cung cấp phân tích hữu ích và tóm tắt thông tin phức tạp:
- VenturusAI: Phân tích ý tưởng kinh doanh để lập kế hoạch chiến lược
- Zapier: Kết nối ứng dụng với quy trình làm việc tự động
Operations
AI có thể được sử dụng để thay thế các công việc thủ công, lặp đi lặp lại. Bằng cách sử dụng các công cụ sau, cá nhân có thể tăng năng suất và tăng tốc độ nghiên cứu:
- Jamie: Tự động ghi chú và tạo bản tóm tắt chi tiết
- Tome: Tạo bài thuyết trình thông qua AI
- Consensus: Cung cấp câu trả lời bằng cách sử dụng những insights từ các tài liệu nghiên cứu
Kết
Trí tuệ nhân tạo đang thay đổi cục diện kinh doanh hiện đại bằng việc mang lại những ứng dụng tiên tiến và tiện ích vượt trội. Từ việc tối ưu hóa vận hành chuỗi cung ứng đến tăng tốc quá trình chẩn đoán y học, AI không chỉ nâng cao hiệu suất mà còn mở ra những cơ hội mới cho doanh nghiệp. Điều quan trọng là các doanh nghiệp cần có cách tiếp cận đúng đắn để tận dụng tối đa tiềm năng của AI, đồng thời đảm bảo rằng nhân sự ở mọi cấp độ đều có thể sử dụng AI một cách hiệu quả.