Nguyên Phó TGĐ Vingroup phụ trách Vinfast: “Thành công không đến từ sự nửa vời”
Mục lục
Sau khi đã đạt được những thành công đáng kể tại các tập đoàn đa quốc gia như BMW và Bosch, điều gì đã thôi thúc ông Võ Quang Huệ quyết định gia nhập một tập đoàn Việt Nam?
Trong sự kiện MBA Connect, học viên MBA đã có cơ hội được gặp gỡ ông Võ Quang Huệ – một trong những người có tầm ảnh hưởng trong ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Khởi nguồn từ đam mê
Ông Võ Quang Huệ may mắn được lớn lên trong một gia đình có điều kiện. Đây chính là tiền đề giúp ông nuôi dưỡng và thực hiện những hoài bão lớn lao. Sau khi tốt nghiệp trung học, trong khi nhiều bạn đồng trang lứa chưa xác định được hướng đi tiếp theo, Tổng giám đốc đầu tiên của Bosch Việt Nam đã rất kiên định với sở thích và quyết định theo đuổi lĩnh vực ô tô.

Khi có cơ hội, ông chọn du học sang Đức – thượng nguồn của ngành công nghiệp ô tô thế giới. Quyết định này không chỉ vì ông muốn học hỏi từ những chuyên gia kỳ cựu trong ngành này, mà còn vì ông hiểu rằng với một nền kinh tế mà ngành ô tô là chủ lực, ông sẽ có nhiều “đất” để phát triển đam mê của mình. “Không gì may mắn hơn khi được học tập tại đất nước được xem là cái nôi của ngành mình thích.” – Ông Huệ chia sẻ đầy tự hào.
Không ai nghĩ cơ duyên đến với ngành ô tô của ông Huệ chỉ đơn giản là học điều mình thích. Ông Huệ nói thêm: “Tiền lương hay địa vị cũng hấp dẫn, nhưng đó chỉ là chất xúc tác nhất thời. Điều duy nhất khiến con người có thể hết lòng theo đuổi là đam mê, là khát vọng. Chính tiếng nói bên trong mới thật sự là động lực mạnh mẽ giúp mình cống hiến trong thời gian dài.”
Viên gạch nền tại BMW
Ông Võ Quang Huệ tốt nghiệp kỹ sư vào khoảng năm 1982, cũng là thời điểm BMW thuộc top 5 công ty Châu Âu tốt nhất bấy giờ. BMW đồng thời là một trong những thương hiệu ô tô hàng đầu nước Đức – xứ sở của ngành công nghiệp ô tô. Đó là những yếu tố hấp dẫn ban đầu thu hút ông Huệ “đầu quân”.
“Sinh ngữ Đức thật sự rất khó. Tuy tôi có học tiếng Đức, nhưng ứng dụng vào công việc lại là một thử thách khác”. Dù có rào cản ngôn ngữ, ông Huệ vẫn giữ một tinh thần chiến hết mình. Vì được làm việc tại BMW không phải là cơ hội mà tân kỹ sư nào cũng có.

Ông Huệ cho rằng, lương thưởng không phải yếu tố hàng đầu tác động đến quyết định lựa chọn một tổ chức. Mà hơn hết, ông ưu tiên lựa chọn nơi mang đến cơ hội phát triển và lộ trình đào tạo rõ ràng. Ông Huệ nhấn mạnh: “Bây giờ không còn là lúc để thu mình trong một đất nước. Hãy nhìn rộng ra! Nếu doanh nghiệp có tiềm năng vươn ra năm châu, thì đó cũng là một yếu tố hấp dẫn để cân nhắc.”
Trưởng thành cùng văn hóa Đức
Qua quá trình học tập và làm việc tại Đức, ông Huệ tiếp thu được nhiều phẩm chất tốt đẹp trong văn hóa làm việc của con người nơi đây. Cùng với đức tính cần cù, sáng tạo vốn có của người Việt Nam, ông Huệ đã có từng bước vững chắc trên con đường sự nghiệp.
Ông Huệ tâm đắc: “Người Đức không bao giờ làm việc nửa vời. Khi bắt tay vào nhiệm vụ, họ luôn tập trung hoàn thành đúng như cam kết”. Nhờ đó, kết quả làm việc đa phần đạt chất lượng cao và chính xác. Với ông, phẩm chất này là “chìa khóa” để phát triển nghề nghiệp.
Đối với Nguyên Phó Tổng phụ trách Vinfast, dòng máu Việt Nam là một điều đáng tự hào. Nhưng khi được hấp thu thêm tinh hoa văn hóa tiến bộ, ông Huệ tin rằng mỗi người Việt còn có thể tỏa sáng hơn nữa. “Nhiều người Việt đã vươn ra thế giới, nắm giữ vị trí cấp cao tại các tập đoàn nước ngoài, tập đoàn đa quốc gia. Đó là điều mà chúng ta cần nhìn thấy để tự hào và học hỏi.”
1000 ngày khai sinh ô tô “made in Vietnam”
Vốn dự định nghỉ hưu sau 10 năm dẫn dắt Bosch Việt Nam, ông Huệ bất ngờ nhận được lời mời tham gia dự án Vinfast từ Founder Vingroup – ông Phạm Nhật Vượng.

Bước đi lần này của ông Huệ nhanh chóng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ đồng nghiệp và bạn bè. Vì ít ai đặt niềm tin vào một dự án công nghiệp nặng bắt đầu từ con số không. Đối mặt với những lời bàn tán, ông Huệ đáp lại bằng một tinh thần hào hứng: “Đây là lần đầu tiên và duy nhất trong cuộc đời tôi có cơ hội tham gia vào dự án bắt đầu từ zero. Với Vinfast, tôi được trở thành một trong những người đầu tiên tham gia sản xuất ô tô “made in Vietnam”, được quyền lựa chọn đối tác công nghệ, thiết kế, kỹ thuật,…”
Ban đầu, mục tiêu hoàn thiện một sản phẩm mới trong vòng 48 tháng được đánh giá là bất khả thi. Ông Huệ trăn trở: “BMW với lịch sử phát triển lâu đời, đội ngũ nghiên cứu kỳ cựu, mạng lưới đối tác đồ sộ và hệ thống nhà cung cấp hàng đầu thế giới, cũng cần 5 năm để cho ra đời sản phẩm mới.” Không chỉ là chuyện thời gian, mà đó còn là vấn đề về chất lượng. Dưới góc nhìn thương mại, ông Võ Quang Huệ cho rằng không thể chỉ dựa vào thông điệp “người Việt dùng hàng Việt”. Ngày nay, yêu cầu khách hàng ngày càng cao, nên rất khó để một sản phẩm qua loa cạnh tranh với những hãng ô tô có thương hiệu. Vì thế, Vinfast buộc phải là dòng xe chất lượng cao.

Nhưng bài toán này lại trở thành đòn bẩy giúp ông Huệ bật ra sáng kiến giúp hiện thực hóa mục tiêu không tưởng. Hồi tưởng lại khoảng thời gian 3 năm tại Vinfast, ông Huệ vẫn còn xúc động: “Tôi có nhiều giai đoạn thành công cùng các tập đoàn phát triển hàng đầu như BMW và Bosch. Nhưng không một giai đoạn nào sánh bằng 1000 ngày làm cho tập đoàn Vingroup. Đó là 1000 ngày đẹp nhất trong suốt thời gian tôi đi làm.”
Nói về Vingroup, ông Huệ khẳng định: “Chưa bao giờ tôi sống trong một công ty có tốc độ phát triển mãnh liệt như thế.” Để đạt được tiến độ dự án đề ra, ban lãnh đạo dường như giữ liên lạc 24/7. Đây là đặc quyền khó có được tại các tập đoàn lớn. Bất kỳ quyết định nào cần Chủ tịch tập đoàn cho ý kiến hay phê duyệt đều được phản hồi trong vòng ít nhất 15 phút. Nhờ tinh thần quyết liệt đó, chiếc ô tô gắn nhãn “Made in Vietnam” đầu tiên đã chính thức lăn bánh chỉ sau 21 tháng.
Đây không phải thành tích, mà là kỳ tích của ngành công nghệ ô tô thế giới.
Kết quả ngoài mong đợi này không thể không kể đến người thủ lĩnh đầy quyết đoán và táo bạo – doanh nhân Phạm Nhật Vượng. Đồng hành cùng bác Vượng từ những ngày đầu, ông Huệ chia sẻ với sự nể phục: “Tôi thật sự thích cách lãnh đạo của anh Phạm Nhật Vượng vì tinh thần tiên phong và luôn trao cho đội ngũ cơ hội vượt qua giới hạn.”
Lời khuyên gửi đến lãnh đạo trẻ
“Hành trình vượt ngưỡng từ cấp quản lý lên C-level đòi hỏi cá nhân đó phải có tầm nhìn rộng hơn, cụ thể là bước ra khỏi biên giới chuyên môn của ngành nghề hiện tại.” – Ông Võ Quang Huệ bày tỏ quan điểm khi được hỏi về tiêu chuẩn để trở thành C-level.
Theo ông, thế hệ lãnh đạo hiện nay hoàn toàn có lợi thế với khả năng ngoại ngữ tốt và cơ hội đặt chân đến nhiều nơi trên thế giới. Đó là điều kiện để các bạn thử sức trải nghiệm nhiều vai trò khác nhau. Vì thành công không đến từ sự nửa vời. Thế nên, dù ở cương vị nào, bạn phải hiểu thật sâu, làm thật kỹ để có được kiến thức vững vàng về công việc đó.
Khi nắm chắc kiến thức chuẩn, nhà lãnh đạo sẽ có đủ điểm tựa để sáng tạo và khai phóng – những năng lực nâng cao chỉ có ở nhà lãnh đạo cấp C.
Nói chung, để trở thành nhà lãnh đạo cấp cao, bạn phải chuẩn bị một thể trạng tinh thần tốt, luôn sẵn sàng hoàn thiện chính mình. “Hành trình đi tìm một “phiên bản nâng cấp” dĩ nhiên sẽ không tránh khỏi những cạm bẫy buộc bạn không thể đi theo như những dự định đề ra. Nhưng nếu mục tiêu đủ lớn, quyết tâm đủ cao thì bạn sẽ làm được.” – Ông Huệ khích lệ.

—
“Trên đường đời vạn nẻo,
không có sự chuẩn bị nào là vô nghĩa.”
Trong quyển sách “Dặm đường tôi đi” do ông Võ Quang Huệ chấp bút, có một câu rất hay rằng: “Trên đường đời vạn nẻo, không có sự chuẩn bị nào là vô nghĩa.” Câu nói trên đã được chứng minh qua “dặm đường” 24 năm tại BMW và 10 năm cùng Bosch Việt Nam. Đó chính là sự chuẩn bị hoàn hảo của ông Võ Quang Huệ trước cuộc chiến 1000 cùng ô tô hiệu Vin.