MBA Meetup All Stars: Lộ diện bộ năng lực dành cho quản lý thời đại mới

Những bài học thực tế nào mà các cựu sinh viên MBA của Đại học Western Sydney, hiện đang làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia, muốn chia sẻ về những kỹ năng và năng lực quan trọng để thành công trong vai trò lãnh đạo?

*Quá trình – Kết quả 

Đằng sau kết quả công việc tốt luôn là quá trình nỗ lực hết mình của đội ngũ. Để nhân viên vững tâm hoàn thành công việc, chị Đặng Hoàng Uyên Thy – Commercial Director tại DKSH Việt Nam ưu tiên tạo cho các bạn được một cảm giác “tận hưởng” khi làm việc. Leader cần làm rõ một số vấn đề: Nhân viên cần sự hỗ trợ gì? Không gian làm việc nào thích hợp? Trên thực tế, chị Uyên Thy khẳng định bản thân chị xem trọng quá trình, nhưng sẽ phải đồng hành sát sao cùng nhân viên để chắc chắn kết quả nhận được là xứng đáng với sự nỗ lực đó. 

Đối với chị Phan Thị Thu Hà – Business Advisor/ Former VP, Head of Integrated Marketing, Lazada Vietnam, quá trình xác định con đường sự nghiệp chính là trải nghiệm vô cùng quý báu. Chính thái độ tích cực trong quá trình làm việc đã giúp chị chứng minh được năng lực, từ đó mở ra nhiều cơ hội và được cấp trên tạo điều kiện học hỏi nhiều kỹ năng mới. Đối với trải nghiệm cá nhân của chị Hà, tinh thần cầu thị và không ngừng học hỏi đã giúp chị nhận được những lời khuyên hữu ích, từ đó giúp chị tìm thấy được con đường sự nghiệp phù hợp.

>> Xem lại: Quản trị đội nhóm: chú trọng quá trình hay kết quả? 

MBA Meetup Tháng 3/24: Quản trị đội nhóm: Chú trọng Quá trình hay Kết quả

*Kỹ năng quản lý – Khả năng chuyên môn

Chia sẻ tại sự kiện MBA Meetup Tháng 04/2024, anh Cao Minh Nhân – Senior Business Development, I-DAC Việt Nam, học viên PSO MBA khóa 2023 cho rằng một leader giỏi cần có kỹ năng chuyên môn xuất sắc. Năng lực chuyên môn cao sẽ giúp team leader nắm rõ đặc tính công việc, môi trường, tạo tư thế vững vàng hơn ở vai trò dẫn dắt.

“Năng lực chuyên môn tốt cần trải qua quá trình rèn luyện trong một thời gian dài, đó chính là điều kiện tiên quyết giúp team leader nhận được sự tin tưởng từ nhân viên” – anh Nhân nói. Nếu như team leader không đủ năng lực chuyên môn, đội nhóm khó mà đặt niềm tin vào họ.

Đồng thời, anh Nguyễn Đoàn Minh Tuấn – Founder – Director, Nufy Nutrition JSC, học viên PSO MBA khóa 2023 cũng đồng tình rằng cần có năng lực chuyên môn tốt khi trở thành team leader. “Mặc dù tôi cũng đã sở hữu kỹ năng quản lý với doanh nghiệp gia đình, nhưng tôi cho rằng kỹ năng chuyên môn vẫn cực kỳ quan trọng để định hướng, dẫn dắt đội nhóm”.

>> Xem thêm: Leader đội nhóm: Kỹ năng quản lí hay khả năng chuyên môn? 

MBA Meetup Tháng 4/24: Leader đội nhóm: Kỹ năng Quản lý hay Năng lực Chuyên môn?
MBA Meetup Tháng 4/24: Leader đội nhóm: Kỹ năng Quản lý hay Năng lực Chuyên môn?

*Động lực – Kỷ luật

Kỷ luật lại liên quan đến việc tự quản lý bản thân (Self-Management), trong khi động lực là quản lý từ bên ngoài (Motivate Management). Cả hai đều có thể trở thành nguồn năng lượng mạnh mẽ giúp mỗi người tiến xa trên con đường đã vạch ra.

Theo chị Bùi Tú Mỹ – Manager Student Activities and Partnership, Global Pathways Program, giai đoạn đầu sự nghiệp nên nghiêng về yếu tố động lực. Động lực mang lại tinh thần nhiệt huyết và lăng xả để trải nghiệm nhiều thứ mới mẻ và vượt qua giới hạn bản thân.

Sau khi đã “kinh” qua những cung bậc thăng trầm của sự nghiệp, chị chọn kỷ luật để đi đường dài. Theo chị Tú Mỹ, kỷ luật tuy không bùng nổ như động lực, nhưng sẽ giúp chị vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất. “Động lực có thể xuất hiện trong ngắn hạn, nhưng kỷ luật giúp tôi không từ bỏ mỗi khi gặp khó khăn” – chị Tú Mỹ chia sẻ. 

Đồng chia sẻ tại MBA Meetup 5/24, chị Nguyễn Thị Kim Uyên – Senior Account Director, Dentsu Creative Vietnam bật mí động lực lớn nhất thôi thúc chị tiến về phía trước là mong muốn trở thành “một người lớn hiện đại” – không ngừng phát triển bản thân, tạo tác động tích cực và truyền cảm hứng học tập đến thế hệ trẻ. 

Sau khi xác định được động lực, chị Uyên khuyên các bạn trẻ hãy luôn duy trì tính kỷ luật bởi vì con đường phát triển sự nghiệp có những đoạn “thăng” và “trầm”; tuy nhiên, các bạn cần cố gắng thực hiện vì trách nhiệm với lời hứa bản thân và những người xung quanh. Tương tự như Định luật Hoa sen, chìa khóa thành công chính là sự kiên trì. 

Từ thực tế bản thân, chị Uyên khẳng định kỷ luật giúp bản thân tránh xa cám dỗ, quản lý cảm xúc và có khả năng hoàn thành công việc một cách chuyên nghiệp dù không yêu thích. Với tính chất công việc cần quản lý nhiều khách hàng và dự án, có những ngày chị Uyên bị căng thẳng và không muốn làm hài lòng bất kỳ ai. Thế nhưng, chính sự kỷ luật, tôn trọng nghề nghiệp và tính trách nhiệm đã giúp chị vượt qua những khó khăn này. 

>> Xem lại: Đường dài sự nghiệp: Duy trì “động lực” hay “kỷ luật”

MBA Meetup Tháng 5/24: Đường dài sự nghiệp: Duy trì “Động lực” hay “Kỷ luật”
MBA Meetup Tháng 5/24: Đường dài sự nghiệp: Duy trì “Động lực” hay “Kỷ luật”

*Quản trị sự khác biệt

Tại buổi trò chuyện MBA Meetup 7/24, anh Nguyễn Thanh Tâm – Head of Commercial, Samsung nhận định quản trị sự khác biệt là một trong những kỹ năng giúp leader quản lý đội nhóm thành công bên cạnh kiến thức chuyên môn. 

Để dung hòa được sự khác biệt, anh cho rằng yếu tố đầu tiên bắt buộc phải có chính là chiến lược rõ ràng. Chiến lược này giúp người leader trả lời được câu hỏi: Mục tiêu chung của cả team là gì? Và mục tiêu đó đóng vai trò như hạt “giống” giúp tập hợp các thành viên lại cùng một điểm.

Anh Phạm Thái Tuấn – Marketing Manager, Nestlé Food Business cũng khẳng định về tầm quan trọng của “mục tiêu chung” trong quá trình làm việc nhóm. “Khi xuất hiện quá nhiều ý kiến khác nhau và dẫn đến xung đột, chúng tôi bắt đầu nhìn lại mục tiêu chung. Ý kiến phù hợp chính là ý kiến đang phục vụ mục tiêu chung. Ý kiến được chọn là ý kiến phục vụ mục tiêu chung tốt nhất.”

Thứ hai, không thể bỏ qua bước truyền đạt mục tiêu tới tất cả thành viên trong đội. Nghĩa là leader có vai trò phải truyền đạt rõ ràng, nhất quán và đảm bảo mọi người đều nắm bắt chính xác mục tiêu chung.

Thứ ba, người leader phải biết cách phân công nhiệm vụ dựa trên năng lực và sự khác biệt của từng người. Công việc phù hợp giúp nhân viên có nhiều cảm hứng và động lực làm việc cũng như phát huy được thế mạnh của mình. 

Thứ tư, người leader phải không ngừng tạo động lực và sự gắn kết. Sau khi đã kết nối đội ngũ bằng mục tiêu chung, người leader phải biết cách duy trì mối liên kết đó thông qua việc liên tục tạo động lực cho từng thành viên. “Tôi thường xuyên truyền cho nhân viên lòng yêu sản phẩm với mong muốn xây dựng cho đội ngũ niềm tin vào công việc, từ đó giúp họ làm việc hăng say” – Anh Tâm chia sẻ bí quyết.

Ở một góc nhìn khác, anh Phạm Thái Tuấn cho rằng: “Khác biệt không phải là cố gắng trở nên mới hoàn toàn. Tạo ra những thay đổi tích cực cũng đã là khác biệt”.

Để chứng minh, Marketing Manager của Nestlé Food Business đã không ngần ngại chia sẻ về dự án truyền thông “Kỷ niệm 88 năm Maggie đồng hành cùng người tiêu dùng Việt”, dự án mà anh cho rằng chỉ với một sự khác biệt nhỏ đã tạo nên thành công lớn.

Sau quá trình nỗ lực nghiên cứu và dốc sức phối hợp cùng bộ phận Kỹ thuật, hoạt động kỷ niệm 88 năm của Maggie chính là cột mốc đánh dấu lần đầu phương thức dán nhãn tự động – thay thế cho phương thức thủ công, được nhãn hàng áp dụng. Ngoài ra, dự án lần đó đã giúp tôi tin tưởng hơn vào sức mạnh của tinh thần dám nghĩ dám làm” – Anh Tuấn tự hào.

>> Xem lại: Quản trị sự khác biệt – Nền tảng xây dựng văn hóa đội nhóm

MBA Meetup Tháng 7/24: Quản trị sự khác biệt: Nền tảng xây dựng văn hóa đội nhóm
MBA Meetup Tháng 7/24: Quản trị sự khác biệt: Nền tảng xây dựng văn hóa đội nhóm

*Thấu hiểu – Trao quyền 

Giới trẻ ngày nay sở hữu kho tàng ý tưởng độc đáo và sáng tạo, mang đến làn gió mới cho môi trường làm việc. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả tiềm năng này, đòi hỏi các nhà quản lý cần có phương pháp tiếp cận phù hợp, đảm bảo sự cân bằng giữa sáng tạo và quy tắc. 

Công thức 70 – 20 – 10 là cách anh Đặng Lê Chí Thành – QC Manager, FrieslandCampina Vietnam đang áp dụng để dẫn dắt đội ngũ. Giải thích thêm về công thức này, anh Thành cho biết: “Để quản lý các bạn trẻ, cần 10% nguyên tắc mang tính cố định liên quan đến quy trình, quy chuẩn, tiêu chuẩn,… bắt buộc các bạn phải tuân theo.

20% tiếp theo đề cập đến yếu tố Coaching của cấp trên trong quá trình làm việc trực tiếp. Người nắm giữ vai trò Coach thông qua cách đặt các câu hỏi phù hợp sẽ giúp các bạn hiểu được cách áp dụng linh hoạt các quy chuẩn. Quy trình – quy chuẩn cần được ứng dụng phù hợp cho từng tình huống công việc cụ thể.

70% còn lại là từ tình huống thực tế. Nghĩa là Leader nên mạnh dạn cho nhân viên trẻ thử sức tham gia hoặc dẫn dắt đội nhóm để giải quyết các tình huống thực tế để các bạn nhận thấy rằng, vấn đề không chỉ được giải quyết dựa trên quy trình – quy chuẩn hay những gì được training, mà còn liên quan đến value chain (chuỗi giá trị) của công ty. Sau khi hoàn thành công việc hay dự án, cần có những buổi nhận xét – đánh giá giữa nhân viên và người quản lý để cùng nhận ra những điểm tích cực và cả những điểm cần cải thiện. “Những phản hồi mang tính bác bỏ hay nghi ngờ từ cấp trên rất dễ dàng dập tắt ngọn lửa nhiệt huyết của nhân viên trẻ. Thay vì vội vàng đưa ra đánh giá, hãy tạo ra “vùng tự do” để họ thỏa sức sáng tạo và khẳng định bản thân” – Anh Đặng Lê Chí Thành nhận diện “bản sắc” của nhân sự trẻ. 

Đối với các bạn trẻ, công thức 70 – 20 – 10 giúp các bạn có một trải nghiệm làm việc linh hoạt nhất định nhưng vẫn không tách rời các quy tắc chung mà tổ chức đặt ra.

Sẽ có nhiều tình huống công việc nhân viên không thể độc lập giải quyết. Đối với những trường hợp đó, anh Nguyễn Mạnh Cường – Strategy Director, PMAX: Total Performance Marketing Agency đề xuất người Leader cần phải chủ động tham gia triển khai công việc cùng đội ngũ. Đồng hành và làm việc gần gũi với nhân viên là cơ hội giúp người lãnh đạo có thể quan sát được cách thức đội nhóm làm việc và thấu hiểu hơn những khó khăn mà nhân viên đang gặp phải.

Trong hoạt động đánh giá kết quả công việc định kỳ, trách nhiệm của người lãnh đạo không chỉ dừng lại ở việc xem xét hiệu suất công việc “đạt” hay “không đạt”. Quan trọng hơn, người quản lý phải cùng nhân viên xây dựng Action Plan (Kế hoạch hành động) để đạt được những mục tiêu công việc trong tương lai.

>> Xem lại: Thấu hiểu & Trao quyền: Lựa chọn nào giải quyết bài toán nhân sự trẻ? 

MBA Meetup Tháng 8: Thấu hiểu & Trao quyền
MBA Meetup Tháng 8/24: Thấu hiểu & Trao quyền: Lựa chọn nào giải quyết bài toán nhân sự trẻ?

*Lý tính – Cảm tính 

Trong cuộc tranh luận “Lý tính hay cảm tính” anh Phạm Chí Uy – Senior Manager, FMCG Sales, NielsenIQ đã không ngần ngại bày tỏ quan điểm: “Lý tính lúc nào cũng đi trước cảm tính.” Làm việc theo lý tính giúp mỗi người cân nhắc vấn đề một cách toàn diện và khoa học hơn. 

Lý tính đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề mang tính hệ thống. Khi gặp phải những vấn đề khó giải quyết, việc gạt bỏ cảm xúc và lắng nghe lý trí sẽ giúp bạn nhận diện rõ các phương diện cốt lõi của vấn đề, dựa vào quy trình là việc mà xây dựng cách thức giải quyết hợp lý. Anh Phan Trần Nguyên Thạnh – Senior Manager, Lazada nhận định: “Lý tính rất cần thiết khi bạn đang phải vật lộn với những vấn đề mang tính hệ thống.” Vì đặc trưng của lý tính là tính logic, nhờ đó bạn có thể mau chóng gỡ bỏ nút thắt một cách tuần tự và triệt để.

Ngoài việc giải quyết vấn đề, lý tính đóng vai trò thiết yếu trong việc duy trì tính nhất quán trong cách làm việc. Rõ ràng, không có nhiệm vụ nào hoàn thành chỉ dựa vào một nhân viên đơn lẻ. Đặc biệt trong môi trường công sở, nhân sự luôn phải làm việc với nhiều đối tượng khác nhau như đồng nghiệp, đối tác và khách hàng. Thế nên, đội ngũ được dẫn dắt theo tư duy lý tính thường sẽ đạt được đến sự đồng bộ cao trong suy nghĩ và quy trình làm việc.

Bên cạnh yếu tố nền tảng là lý tính, cảm tính là chất xúc tác giúp leader để giải quyết những vấn đề liên quan đến con người. Cả anh Thạnh và anh Uy đều đồng ý rằng, chính sự chân thành xuất phát từ cảm tính sẽ giúp leader nhanh chóng ổn định tinh thần đội ngũ trong những tình huống căng thẳng.

>> Xem lại: Quản trị đội nhóm: Lý tính hay cảm tính? 

MBA Meetup 9/24: Quản trị đội nhóm - Lý tính hay Cảm tính
MBA Meetup Tháng 9/2024 – Quản trị đội nhóm: Lý tính hay Cảm tính?

*Task-Oriented hay People-Oriented 

Theo góc nhìn của Manager tại Suntory PepsiCo, anh Nguyễn Thanh Quang nhận định: “Trong xử lý công việc, Task-Oriented cho phép bạn tập trung vào mấu chốt vấn đề và nhanh chóng tìm ra phương hướng giải quyết. Trong tình huống khẩn cấp, Leader càng phải ưu tiên giải quyết dựa trên công việc để nhanh chóng ổn định quy trình.”

Tương tự với anh Quang, công việc hiện tại của chị Nguyễn Thị Nhật Thu – Team Lead – Reference Data, NielsenIQ Vietnam mang xu hướng Task-Oriented rất rõ ràng. Tuy nhiên, chị Nhật Thu nhấn mạnh rằng: “Mặc dù việc tập trung vào nhiệm vụ là quan trọng nhưng Leader không nên bỏ qua yếu tố con người. Việc điều chỉnh phương pháp làm việc để phù hợp với từng đối tượng nhân viên là yếu tố không thể thiếu.”

Qua quá trình làm việc và tiếp xúc với nhiều stakeholder khác nhau anh Nguyễn Thanh Quang- Engineering & Packaging Transformation Manager, Suntory PepsiCo nhận định: “Đa phần người đi làm thường luôn có những vấn đề liên quan đến 3 từ khóa: động lực – áp lực – mục tiêu.” Để lồng ghép People-Oriented hiệu quả, có thể tập trung khai thác 3 yếu tố này.

Đôi khi, áp lực cũng góp phần thúc đẩy con người tiến về phía trước. Anh Nguyễn Thanh Quang chia sẻ, nhiều nhân viên không ngần ngại bày tỏ muốn làm việc trong một môi trường thử thách, vượt qua giới hạn và đạt được những thành tựu mới. Đây hoàn toàn là một nguyện vọng hợp lý với mong muốn được phát triển ở tốc độ nhanh hơn.

Đối với nhóm nhân viên này, leader nên giao cho các bạn những task phù hợp với nguyện vọng phát triển hơn là chỉ o ép trong khuôn khổ của “Job Description.” Việc giao cho nhân viên những nhiệm vụ mang tính thử thách, đòi hỏi sự sáng tạo và chủ động, không chỉ giúp họ nâng cao năng lực mà còn tạo ra một môi trường làm việc năng động hơn.

>> Xem thêm: Quản lý đội nhóm: Task-oriented hay People-oriented?

MBA Meetup - Quản lý đội nhóm: Task-oriented hay People-oriented
MBA Meetup 10/24: Lãnh đạo đội nhóm: Task-oriented hay People-oriented?

*EQ – IQ?

Hiện nay, khả năng phân tích, nhận thức, đánh giá vấn đề và giải quyết vấn đề rất quan trọng. Do đó, EQ (chỉ số cảm xúc) cũng đang dần được chú trọng hơn. EQ, hay còn gọi là trí tuệ cảm xúc, đánh giá khả năng kiểm soát cảm xúc và nhận thức được suy nghĩ của bản thân, cũng như khả năng kiểm soát tình huống và tương tác hiệu quả với mọi người xung quanh.

Theo chị Vương Lý Hoàng Lan – Head of Learning & Development, Samsung Vina Electronics, EQ và IQ là hai chỉ số quan trọng trong quá trình tuyển dụng và đánh giá nhân viên. Tuy nhiên, chị cũng nhấn mạnh rằng sự đánh giá này còn phụ thuộc vào yêu cầu công việc. Ví dụ, trong các công việc yêu cầu chuyên môn cao như kỹ thuật, nghiên cứu hoặc phân tích, IQ có thể được đánh giá cao hơn. Dù vậy, trong môi trường làm việc hiện nay, yếu tố teamwork, khả năng hợp tác và làm việc nhóm cũng rất quan trọng.

Khi tuyển dụng, doanh nghiệp không chỉ xem xét chỉ số IQ mà còn đánh giá sự phù hợp của ứng viên với văn hóa công ty và khả năng làm việc nhóm. Chị Lan chia sẻ: “Khi chị muốn chọn một người mạnh về chuyên môn, thì chắc chắn phải chú trọng đến IQ. Nhưng nếu chị cần một người có thể làm việc tốt trong đội nhóm, thì EQ sẽ cần được xem xét kỹ càng.”

Lời khuyên dành cho lãnh đạo trẻ: Hiểu bản thân – Chấp nhận – Không ngừng học hỏi 

Nhắn nhủ đến các bạn quản lý trẻ, chị Phan Thị Thu Hà – Business Advisor/ Former VP, Head of Integrated Marketing, Lazada Vietnam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiểu rõ bản thân trong hành trình sự nghiệp. Để phát triển, bạn cần xác định được điểm mạnh và yếu của mình, đồng thời nghiên cứu các yêu cầu công việc cũng như xu hướng thị trường. Bằng cách so sánh năng lực bản thân với yêu cầu nghề nghiệp, bạn sẽ nhận diện được những thiếu sót cần cải thiện. Hơn nữa, việc cập nhật tình hình thị trường và hiểu rõ nhu cầu của ngành sẽ giúp bạn có định hướng rõ ràng và tạo ra bước tiến vững chắc trong sự nghiệp.

Chị Đặng Hoàng Uyên Thy – Commercial Director tại DKSH Việt Nam cho rằng thành công không đến từ may mắn mà từ quá trình nỗ lực và dám đối mặt với thử thách. Chị khuyến khích các lãnh đạo trẻ hãy dám chấp nhận cơ hội và thử thách, bởi vì khi bạn dám bước ra khỏi vùng an toàn và chịu trách nhiệm với hành động của mình, bạn sẽ phát triển nhanh chóng. Khi đã chấp nhận thử thách, bạn sẽ có cơ hội chứng minh năng lực và đạt được kết quả xứng đáng với những nỗ lực đó.

Theo anh Phạm Thái Tuấn – Marketing Manager, Nestlé Food Business, nhà lãnh đạo trẻ nên setup mindset tiếp nhận sự khác biệt trong quá trình làm việc. Đó có thể là khác biệt về kiến thức, về con người, hay sự khác biệt trong chính bản thân bạn so với trước đây. Chính những sự khác biệt này sẽ giúp bạn mở rộng tầm nhìn và đạt được những thành công lớn trong sự nghiệp.

Tham gia chương trình MBA là một trong những hướng đi được nhiều nhà lãnh đạo trẻ lựa chọn như một “lò luyện” năng lực lãnh đạo.

Anh Đặng Lê Chí Thành – QC Manager, FrieslandCampina Vietnam nhấn mạnh rằng việc học không chỉ là để nâng cao kiến thức mà còn để phát triển bản thân. Khi quyết định học MBA, lãnh đạo trẻ phải có lý do học tập rõ ràng và một động lực đủ mạnh. Anh chia sẻ, việc học giống như một cuộc chạy marathon, đòi hỏi sự kiên trì và sức bền không chỉ về thể chất mà còn về tinh thần. Để thành công, bạn phải duy trì động lực và năng lượng suốt hành trình dài này.

Tương tự, anh Nguyễn Thanh Tâm – Head of Commercial, Samsung cho rằng việc học hỏi liên tục là yếu tố quyết định sự thành công của lãnh đạo trẻ. Trước khi bắt đầu chương trình MBA, bạn cần phải nắm rõ các yêu cầu và mục tiêu của chương trình để chuẩn bị tốt nhất. Anh cũng khuyên các lãnh đạo trẻ hãy đặt mục tiêu học tập cụ thể, sao cho kiến thức thu được có thể ứng dụng ngay vào công việc thực tiễn. Bên cạnh đó, anh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì một nền tảng sức khỏe tốt cả về thể chất lẫn tinh thần, bởi học MBA là một hành trình dài, đòi hỏi sự kiên nhẫn và bền bỉ để đạt được kết quả cao nhất.

MBA Meetup là chuỗi sự kiện giao lưu trực tuyến về hành trình học vấn, trải nghiệm học tập cùng kinh nghiệm làm việc từ chia sẻ của các học viên, cựu học viên đã và đang theo đuổi chương trình MBA.