Thế hệ lãnh đạo Việt – Vượt qua biến động bằng nội lực
Mục lục
Trong thời đại mà biến động đã trở thành hằng số duy nhất, làm thế nào để các nhà lãnh đạo dẫn dắt sự thay đổi?
Với 100 khán giả tham dự, seminar “Kiến tạo tầm nhìn mới trong thế giới biến động”, đồng tổ chức bởi Viện Đào tạo quốc tế (ISB.IEI) và Vietsuccess đã mang đến những câu chuyện đầy cảm hứng. Hai diễn giả – bà Nguyễn Tâm Trang và ông Võ Quang Huệ – không chỉ chia sẻ trải nghiệm cá nhân trước biến động mà còn vẽ nên bức tranh tương lai cho doanh nghiệp Việt.

Hai nhà lãnh đạo với tầm nhìn đưa Việt Nam ra toàn cầu
Ông Võ Quang Huệ – Chủ tịch FoundryAI Vietnam, mang theo hành trang kinh nghiệm phong phú từ vị trí nguyên Phó Tổng Giám đốc phụ trách VinFast (Tập đoàn Vingroup) và nguyên Tổng Giám đốc Bosch Việt Nam.
Với nền tảng vững chắc từ Bosch – công ty phụ tùng ô tô lớn nhất thế giới, ông đã đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng thương hiệu ô tô Việt Nam chất lượng tại VinFast. Kinh nghiệm dày dạn trong ngành công nghiệp ô tô toàn cầu cùng tầm nhìn về tiềm năng của Việt Nam đã giúp ông trở thành một trong những nhà lãnh đạo tiên phong trong việc mang ô tô “Made in Vietnam” ra thế giới.
Bà Nguyễn Tâm Trang – Phó Chủ tịch Hội đồng Điều hành, Tổng Giám đốc Nhân sự Tập đoàn GREENFEED, là nhà lãnh đạo kỳ cựu với 25 năm kinh nghiệm làm việc quốc tế. Trải qua hành trình sự nghiệp tại nhiều thị trường khác nhau, bà đã quyết định trở về Việt Nam để gắn bó với một trong những tập đoàn nông nghiệp hàng đầu.
Với vai trò là nhà lãnh đạo tại GREENFEED, bà Tâm Trang chia sẻ về tầm nhìn đầy tham vọng của tập đoàn trong ngành nông nghiệp. Từ feed đến farm rồi food, GREENFEED thể hiện trách nhiệm xuyên suốt chuỗi giá trị, mang thức ăn sạch đến tận bàn ăn người tiêu dùng.

Ra quyết định nhanh và tối ưu giữa biến động
Một trong những chia sẻ ấn tượng nhất của ông Huệ liên quan đến nghệ thuật ra quyết định trong thời đại biến động. Ông phân tích rằng mọi quyết định đều dựa trên hai nền tảng quan trọng: thông tin dữ liệu đầu vào và trực giác.
Về dữ liệu, nguyên Tổng Giám đốc Bosch Việt Nam nhấn mạnh rằng chúng ta đang sống trong giai đoạn có nhiều thông tin nhất trong lịch sử nhân loại. Việc tập luyện kỹ năng sử dụng AI và thiết bị hiện đại để có được dữ liệu chất lượng trở thành yếu tố then chốt. Tuy nhiên, dữ liệu chỉ là một phần của câu chuyện.
Trực giác, theo ông, không phải là cảm tính mà là sản phẩm của quá trình rèn luyện nhiều năm. “Trực giác là yếu tố cần được tôi luyện nhiều năm”. Điều quan trọng là có những nguyên tắc bất biến làm nền tảng – những giá trị cốt lõi không thay đổi dù trong bất kỳ biến động nào. Ví dụ, với ông Võ Quang Huệ, việc chống gian lận là một nguyên tắc nền tảng được ông duy trì trong mọi thời đại.
Xây dựng đội ngũ linh hoạt, chất lượng cao, thích ứng mọi biến động
Bàn về văn hóa doanh nghiệp, bà Tâm Trang đã làm rõ một sai lầm phổ biến. Văn hóa không chỉ là những khẩu hiệu mang tính biểu tượng, mà cần được hiện thực hóa qua các cơ chế, chính sách, công nghệ và quy trình cụ thể. Trong đó, “vai trò tiên phong và làm gương từ đội ngũ lãnh đạo chính là yếu tố quyết định hiệu quả trong việc triển khai và duy trì các giá trị văn hóa doanh nghiệp.”
Trong bối cảnh doanh nghiệp, ông Võ Quang Huệ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo ra văn hóa sáng tạo. Mỗi nhân viên cần được coi như “tướng lĩnh trong việc mình đang làm”, làm chủ chứ không phải làm thuê. Kinh nghiệm tại BMW cho thấy khi có cơ chế thưởng cho mọi sáng kiến cải tiến, dù nhỏ nhất, cũng có thể khai phóng được sự sáng tạo của hàng chục nghìn nhân viên.
Trong thời đại đòi hỏi mô hình nhân sự linh hoạt, bà nhấn mạnh khái niệm “borrow”: “Tận dụng năng lực nguồn lực của toàn bộ hệ sinh thái. Có thể có những mảng mới nhưng không một sớm một chiều làm được, chúng ta có thể mượn thông qua partnership – hợp tác với các công ty.”
Bà mở rộng khái niệm này bằng cách đề cập đến network của các chuyên gia tư vấn, freelancer để xây dựng năng lực cùng đi với doanh nghiệp. Nhân sự thời đại mới không chỉ tạo nên network mà còn cần tạo ra giá trị mới thông qua con người. Thậm chí, nguồn lực “mượn” có thể xảy ra ngay trong chính công ty – nhân sự có thể chuyển đổi linh hoạt từ mảng này sang mảng khác, điển hình như việc “mượn 20% năng lực của bạn marketing để làm thương hiệu trong tuyển dụng”. Theo bà, các công ty nhỏ thường có lợi thế trong việc này nhờ nguồn lao động linh hoạt và cơ hội biến đổi nhiều hơn.
Tiếp nối, ông Huệ đặt ra những câu hỏi sâu sắc về năng lực sáng tạo của Việt Nam. Mặc dù con người Việt Nam được đánh giá là thông minh và nhạy bén, nhưng số lượng bằng sáng chế được công nhận quốc tế còn hạn chế. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index) của Việt Nam vẫn ở mức trung bình.
“Nền giáo dục chúng ta ngày nay chưa khai phóng hết tiềm năng. Tính con người Việt Nam là luôn khát khao đạt được thành tựu, luôn khao khát vươn lên làm điều mới, nhưng giáo dục chưa tạo bệ phóng cho sáng tạo.” Ông cho rằng để có sáng tạo thực sự, cần có tư duy phản biện, cần có môi trường thảo luận cởi mở và cần có cơ chế khuyến khích thử nghiệm.

Những thông điệp xuyên suốt
Cả hai diễn giả đều khẳng định những thông điệp quan trọng về lãnh đạo trong thời đại biến động. Người lãnh đạo cần quản trị được bản thân trước khi lãnh đạo người khác. “La bàn” (định hướng) và “mỏ neo” (giá trị bất biến) cần song hành để giúp tổ chức vững vàng vượt qua những thời kỳ khó khăn. Về phát triển nhân lực, các chuyên gia đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo ra môi trường học hỏi và sáng tạo. Tinh thần “cùng thắng” cần được nuôi dưỡng thay vì tư duy cạnh tranh tiêu cực. Đặc biệt, vai trò của nghiên cứu phát triển tại các đại học, doanh nghiệp và viện nghiên cứu được coi là then chốt cho tương lai đổi mới sáng tạo của Việt Nam.
Ông Huệ dành nhiều thời gian để gửi gắm những thông điệp truyền cảm hứng đến khách mời và học viên Chương trình Thạc sĩ Kinh doanh liên kết với Western Sydney University. Câu hỏi “Tại sao không?” được ông đặt ra như một thái độ sống – luôn tự vấn trước những thách thức và không tự giới hạn bản thân. Ông nhắn nhủ người trẻ cần nuôi tham vọng trở thành công dân toàn cầu xuất chúng, với những gợi ý cụ thể như việc thành thạo ít nhất hai ngôn ngữ: tiếng Anh và tiếng Trung, bởi đây là ngôn ngữ của hai nền kinh tế lớn bậc nhất thế giới.

Đặc biệt, nguyên Tổng Giám đốc Bosch Việt Nam nhấn mạnh khái niệm “khả năng đứng vững” – một năng lực tổng hợp đòi hỏi sự rèn luyện của nhiều kỹ năng khác nhau: tư duy phản biện, khả năng phân tích và giải quyết vấn đề, kỹ năng hành động linh hoạt và bản lĩnh cá nhân.
Thông điệp chung từ cả hai diễn giả là sự cần thiết phải có tầm nhìn dài hạn, can đảm thay đổi và không ngừng học hỏi để thích ứng với thế giới biến động. Đối với các nhà lãnh đạo trẻ đang trên hành trình định hình tương lai, đây không chỉ là những chia sẻ kinh nghiệm mà còn là lời kêu gọi hành động để xây dựng một Việt Nam phát triển bền vững và sáng tạo hơn.
Kết
Buổi seminar khép lại với nhiều suy ngẫm tích cực và nguồn cảm hứng mạnh mẽ. “Tất cả biến động đều có cơ sở vượt qua khi có nội lực. Chúc các bạn luôn luôn nhận được công việc mình thích thú và hạnh phúc, đó là thành công cho cuộc đời đi làm của mình.” Tin rằng lời khuyên và lời chúc của ông Võ Quang Huệ sẽ là hành trang và động lực để cá nhân và doanh nghiệp vững bước trong thế giới ngày càng biến động.
