MBA Meetup Tháng 9/2024 – Quản trị đội nhóm: Lý tính hay Cảm tính?
Lý trí và cảm xúc là hai yếu tố tưởng chừng đối lập nhưng lại cùng tồn tại và bổ trợ lẫn nhau trong mỗi quyết định. Vậy làm thế nào để cân bằng cả hai để quản lý đội nhóm đạt hiệu quả cao nhất?
“Lý tính hay Cảm tính” được lựa chọn trở thành chủ đề bàn luận tại MBA Meetup tháng 9/2024. Cùng lắng nghe chia sẻ từ anh Phan Trần Nguyên Thạnh, Senior Manager, Lazada và anh Phạm Chí Uy, Senior Manager, FMCG Sales, NielsenIQ để hiểu rõ hơn về vai trò của lý tính và cảm tính trong công việc cũng như cách kết hợp cả hai để đạt được kết quả tối ưu.
Nếu làm việc theo lý tính…
Trong cuộc tranh luận “Lý tính hay cảm tính” anh Phạm Chí Uy – Senior Manager, FMCG Sales, NielsenIQ đã không ngần ngại bày tỏ quan điểm: “Lý tính lúc nào cũng đi trước cảm tính.” Làm việc theo lý tính giúp mỗi người cân nhắc vấn đề một cách toàn diện và khoa học hơn.
Cụ thể, trong những tình huống cần đưa ra các quyết định quan trọng như lựa chọn công việc, bạn phải thực hiện bước nghiên cứu cẩn thận nhằm tìm ra những căn cứ đủ vững chắc thuyết phục bạn gắn bó với công việc này. Bạn phải nhận diện được yêu cầu chuyên môn và kỹ năng của vị trí đó, lộ trình sự nghiệp có khó khăn gì, công việc mang lại cho bạn cơ hội nào và bạn có thể phát triển như thế nào trong quá trình làm việc,… Lý tính sẽ giúp bạn đánh giá chính xác được những đặc trưng của công việc đó. Từ dữ liệu đó, bạn mới tiến hành so sánh với nhu cầu công việc cá nhân, năng lực và sở thích của bạn.
Bên cạnh đó, lý tính đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề mang tính hệ thống. Khi gặp phải những vấn đề khó giải quyết, việc gạt bỏ cảm xúc và lắng nghe lý trí sẽ giúp bạn nhận diện rõ các phương diện cốt lõi của vấn đề, dựa vào quy trình là việc mà xây dựng cách thức giải quyết hợp lý. Anh Phan Trần Nguyên Thạnh – Senior Manager, Lazada nhận định: “Lý tính rất cần thiết khi bạn đang phải vật lộn với những vấn đề mang tính hệ thống.” Vì đặc trưng của lý tính là tính logic, nhờ đó bạn có thể mau chóng gỡ bỏ nút thắt một cách tuần tự và triệt để.
Ngoài việc giải quyết vấn đề, lý tính đóng vai trò thiết yếu trong việc duy trì tính nhất quán trong cách làm việc. Rõ ràng, không có nhiệm vụ nào hoàn thành chỉ dựa vào một nhân viên đơn lẻ. Đặc biệt trong môi trường công sở, nhân sự luôn phải làm việc với nhiều đối tượng khác nhau như đồng nghiệp, đối tác và khách hàng. Thế nên, đội ngũ được dẫn dắt theo tư duy lý tính thường sẽ đạt được đến sự đồng bộ cao trong suy nghĩ và quy trình làm việc.
Để quy trình làm việc đi vào ổn định, Leader trước hết cần thiết lập nền tảng lý tính cho nhân viên. Có nghĩa là, nhân sự trong team đều phải nắm chắc mục đích hoạt động, mục tiêu phấn đấu, phạm vi công việc và tiêu chí đánh giá. Khi các yếu tố lý tính được đảm bảo, họ sẽ có một định hướng rõ ràng và làm việc một cách chủ động. Điều này không chỉ giúp tăng hiệu quả làm việc mà còn tạo ra một môi trường lao động tích cực và chuyên nghiệp.”
Lý tính còn là điểm tựa tinh thần vững chắc trong những giai đoạn khó khăn. Anh Phan Trần Nguyên Thạnh chia sẻ: “Đối diện với áp lực học tập, làm việc và gia đình, tôi đã không ít lần có ý định bỏ cuộc. Nhưng chính lý tính đã giúp phần lý trí nhất trong tôi trỗi dậy, buộc bản thân phải quyết tâm cố gắng đến cùng.” Lý tính giúp bạn duy trì sự quyết tâm và vượt qua những suy nghĩ tiêu cực, từ đó giữ vững tinh thần trong hành trình học tập và làm việc.
Nếu làm việc theo cảm tính…
Cảm tính đôi khi dẫn dắt con người đến những cơ hội bất ngờ, và câu chuyện của anh Phan Trần Nguyên Thạnh, Area Manager tại Lazada, là một ví dụ điển hình. Chia sẻ về điểm chạm đầu tiên với công việc hiện tại ở Lazada, Anh Thạnh cho rằng đó chính là cơ duyên hình thành từ cảm tính.
Vào khoảng năm 2011 – 2012, thương mại điện tử bắt đầu nổi lên như một làn sóng mới tại thị trường Việt Nam. Trong số nhiều nền tảng đồng loạt gia nhập, Lazada nhanh chóng thu hút anh bởi cách thức hoạt động độc đáo và những tiện ích nổi bật dành cho khách hàng. Ở khía cạnh công việc, anh Thạnh từng mong muốn được gia nhập Lazada để thử sức với ngành công nghiệp tiềm năng.
Mãi đến năm 2019, khi bộ phận Nhân sự của Lazada liên hệ và mời anh tham gia phỏng vấn, anh đã không suy nghĩ quá nhiều mà đồng ý ngay vì cảm thấy “cơ duyên đã chín muồi”. Trong trường hợp này, cảm tính rõ ràng đã thôi thúc anh nắm bắt cơ hội, mở ra chặng đường hợp tác lâu dài giữa anh và Lazada.
“Cảm tính vẫn có thể tham gia vào quá trình ra quyết định. Mặc dù không đảm bảo tính chính xác, nhưng cảm tính sẽ giúp bạn ra quyết định nhanh. Đối với những vấn đề nhỏ, bạn hoàn toàn có thể mạnh dạn sử dụng cảm tính để quyết định và bỏ qua quy trình cân nhắc phức tạp.” – Anh Phan Trần Nguyên Thạnh đúc kết từ trải nghiệm cá nhân.
Nhìn lại quá trình học MBA vừa qua, anh Phạm Chí Uy cho rằng cảm tính đóng vai trò không hề nhỏ trong hoạt động xây dựng mối quan hệ và mở ra thời gian hợp tác vui vẻ, tự nguyện giữa các thành viên trong lớp. Khác với môi trường làm việc, nơi mọi người tập trung vào mục tiêu chung, thì tại lớp học MBA, mỗi cá nhân có động lực và mục tiêu học tập khác nhau. Việc mở lòng và tìm hiểu động lực, kỳ vọng của từng người đối với chương trình và từng môn học là rất cần thiết.
Khi hiểu được lý do vì sao họ có mặt ở lớp học MBA này, bạn sẽ chủ động hơn trong việc hợp tác và giao tiếp trong suốt quá trình học. Trong một môi trường mà tất cả mọi người đều nỗ lực, anh Huy cho rằng yếu tố cảm xúc thuộc phần lý tính là chất xúc tác quan trọng để xây dựng và duy trì mối quan hệ.
Cần có cảm tính trong quá trình làm việc để giải quyết những vấn đề liên quan đến con người. Cả anh Thạnh và anh Uy đều đồng ý rằng, chính sự chân thành xuất phát từ cảm tính sẽ giúp leader nhanh chóng ổn định tinh thần đội ngũ trong những tình huống căng thẳng.
Cơ chế cần gạt: Lý tính – Cảm tính
Yếu tố lý tính hay cảm tính trong công việc đều mang lại những lợi ích khác nhau. Nhưng chúng chỉ phát huy sức mạnh khi ở trạng thái cân bằng. Có những trường hợp 100% lý tính gây ra những khó khăn nhất định. Vì làm việc người và người với nhau phải có “tính cảm” để thấu hiểu, để bao dung, để nhìn sự việc ở những góc độ mà lý tính không thể chạm tới.
Trên thực tế, điều chỉnh phong cách làm việc để phù hợp với tập thể là điều vô cùng quan trọng. Thay vì cố gắng thay đổi hoàn toàn môi trường, hãy học cách linh hoạt kết hợp phong cách làm việc cá nhân với phong cách làm việc chung.
Từng làm việc trong môi trường vị cảm tính, anh Uy nhận thấy sẽ rất khó nếu bản thân cố gắng “chèn” yếu tố lý tính vào phong cách làm việc của tập thể. Thay vào đó, anh dần thích nghi và linh hoạt giữa phong cách làm việc cá nhân (lý tính) và phong cách làm việc tập thể (cảm tính) để đạt được hiệu quả cao trong công việc và giao tiếp.
Theo anh Thạnh, “đừng nên lệ thuộc vào lý tính hay cảm tính và để bất kỳ tư duy nào điều khiển chất lượng công việc của bạn.” Nếu bạn đang trong giai đoạn First Manager và bạn chưa biết bắt đầu từ đâu, hãy bắt đầu từ bản chất nội tại: Bạn là người có thiên hướng lý tính hay cảm tính? Qua thời gian rèn luyện và tích lũy kinh nghiệm, bạn sẽ dần nắm bắt được điểm giao giữa lý tính và cảm tính để “bật công tắc” kịp thời trong những tình huống cần thiết.
Kết
Tìm hiểu bản thân và lựa chọn cho mình một phong cách làm việc mang “màu sắc riêng” là hành trình song song với chặng đường sự nghiệp. Ngoài Lý tính và Cảm tính, bạn còn có thể bắt gặp và trải nghiệm nhiều phong cách làm việc khác nhau. Điều quan trọng không phải là chọn ra phong cách làm việc tốt nhất, mà là tìm ra phong cách làm việc phù hợp nhất. Và hãy linh hoạt thích nghi và phát triển, “đừng nên lệ thuộc hay để tư duy định kiến từ bất kỳ phong cách nào điều khiển chất lượng cuối cùng.”
MBA Meetup là chuỗi sự kiện giao lưu trực tuyến về hành trình học vấn, trải nghiệm học tập cùng kinh nghiệm làm việc từ chia sẻ của các học viên, cựu học viên đã và đang theo đuổi chương trình MBA.
Xem thêm: Các sự kiện từ chương trình MBA tại Đại học Western Sydney